Kỹ thuật nuôi gà H’Mông đen

Gà đen H’Mông có nguồn gốc ở các vùng núi cao có đồng bào người H’Mông và các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có tỉnh Sơn La. Gà H’Mông có nhiều loại hình màu lông, tuy nhiên phổ biến là 3 màu: Hoa mơ, đen, trắng tuyền. Đặc điểm nổi bật nhất của gà H’Mông là xương đen, thịt đen, phủ tạng đen và da ngăm đen (màu chì) chân đen. Tại Sơn la, gà đen H’Mông được phát hiện đầu tiên từ những năm 1999 -2000 tại các huyện vùng cao như Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu…

Gà H’Mông được đồng bào các dân tộc H’Mông thuần dưỡng và nuôi giữ qua nhiều đời nay. Tuy nhiên, do phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả quảng canh, gà tự kiếm ăn trên nương đồi và chuồng trại thô sơ, kỹ thuật chăn nuôi lạc hậu và thiếu sự phòng bệnh bằng vacxin cho gà nên khi có dịch bệnh xảy ra thì gà hay bị chết hàng loạt. Chính vì thế để bảo vệ giống gà quý này chúng ta cần phải bảo tồn và nhân rộng cho nhiều hộ dân cùng nuôi. Muốn chăn nuôi chăn nuôi gà H’Mông mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho người dân thì cần áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại, chăn nuôi, phối trộn thức ăn, nuôi giun quế để bổ sung dinh dưỡng cho gà, giúp gà tăng trọng nhanh hơn… Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu đến bà con nông dân một số kỹ thuật chăn nuôi sau đây.

 

anh tin bai

Gà H’Mông đen. Ảnh Thanh Băng

1. Yêu cầu chung về chuồng trại nuôi gà đen H’Mông

Để làm chuồng gà, chúng ta cần phải chọn nơi cao ráo, dễ thoát nước, thoáng mát, cách các khu nuôi ngan, vịt, lợn, trâu, bò càng xa càng tốt để gà không bị lây nhiễm dịch bệnh từ các con vật nuôi khác.

Có nhiều cách làm chuồng gà, có thể làm chuồng nền, hoặc chuồng sàn. Chuồng nên làm với hình dạng như một ngôi nhà, hoặc dạng nhà sàn, nền sàng nên để cao, cách mặt đất khoảng 50 – 60 cm. Phía dưới chân sàn có thể quây bạt hoặc bao tải để tránh gió lùa từ gầm sàn lên. Chuồng có diện tích đủ lớn để có thể đặt các máng ăn, máng uống bên trong. Diện tích chuồng tùy theo số gà nuôi nhưng trung bình cứ khoảng 15 – 20 con gà trưởng thành thì cần có 1 m2 chuồng sàn.  Như vậy, nếu quy mô mỗi nhà nuôi 50 con gà, thì chuồng gà nên có diện tích khoảng 3 – 4 m2, nếu nuôi 100 con gà thì chuồng có diện tích khoảng 6 – 8 m2 .

Chuồng gà có thể làm bằng tre, nứa, mái lợp lá cọ hoặc rơm rạ, trong chuồng có thể gác thêm các que sàn để cho gà đậu lên khi ngủ. Sàn chuồng được làm bằng tre, nứa, hoặc lưới thép nhưng cần chú ý để các nan dát sàn có khoảng cách trống từ 2 – 3cm để phân gà rơi xuống dưới đất, thuật tiện cho việc dọn vệ sinh.

Khi làm chuồng cần làm mái thoải xuống để mùa đông giữ được ấm, mùa hè phản xạ nhiệt của ánh nắng mặt trời giữ được mát. Mái hiên có thể đua ra 1 – 1,2 mét để hạn chế lượng ánh nắng chiếu trực tiếp vào chuồng.

Nếu làm chuồng dạng nhà sát mặt đất thì nền chuồng có thể láng xi măng hoặc gạch phẳng có độ dốc cần thiết 3 – 5O tiện cho việc vệ sinh. Trong chuồng nên làm các sàn để cho gà đứng vì gà thích đậu trên cao và ngủ trên cao. Nếu để gà nằm trực tiếp xuồng nền đất hay nền xi măng thì dễ bị lạnh và nhiễm bệnh từ phân gà thải ra.

2. Chuẩn bị dụng cụ và chuồng nuôi

Trước khi đưa gà vào nuôi dù quy mô lớn hay nhỏ cần phải chuẩn bị mọi điều kiện vật chất kỹ thuật như: Rèm che, cót quây, chụp sưởi, máng ăn, máng uống, chất độn chuồng, tiêu độc khử trùng và chọn người nuôi

+ Chuồng trại:

Chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi phải được cọ rửa sạch sẽ, để trống chuồng trước khi đưa gà vào nuôi 15 – 20 ngày và phải được xử lý theo đúng quy định về vệ sinh phòng dịch. Nếu là chuồng xây thì tường, nền được quét nước vôi đặc nồng độ 40%. Sau đó để khô phun thuốc sát trùng theo hướng dẫn của cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông. Các dạng chuồng khác cùng cần được phun thuốc khử trùng trước khi thả gà vào. Cách làm như sau:

Sau khi làm xong chuồng, phun thuốc sát trùng chuồng trại ngay và trước khi thả gà vào nuôi 1 – 2 ngày lại phun tẩy uế lại thuốc sát trùng một lần nữa. Khi phun thuốc xong, đóng kín cửa chuồng gà lại khoảng 5h mới mở cửa chuồng ra cho thông thoáng bay hết mùi thuốc sát trùng rồi mới thả gà.

+ Máng ăn:

Khi nuôi úm gà con trong 2 tuần đầu có thể dùng mẹt tre hoặc khay tôn (kích thước 60 x 80 x 2,5cm cho 80 – 100 gà) hoặc những vật dụng thay thế khác mà gia đình có. Từ tuần tuổi thứ 3 trở đi dùng máng ăn (có thể là máng dài hoặc máng tròn) dạng máng nhựa bán sẵn ngoài chợ hoặc máng ăn do người dân tự thiết kế bằng các ống tre, gỗ...

Máng dài có thiết diện hình thang, đáy nhỏ từ 5 – 8 cm miệng rộng 7 – 13 cm, chiều dài của máng 1 – 1,5 mét, cao 4 – 8 cm có đế vững chắc tránh rơi vãi thức ăn.

Máng tròn có thể bằng nhựa hoặc bằng tôn làm theo kiểu máng P50 Hunggari nâng dần độ cao của máng theo tuổi của gà.

+ Máng uống:

Có nhiều loại máng uống khác nhau, bà con có thể dùng máng tròn (gallon) mua ở chợ gồm phần đáy và thân nắp vào nhau làm bằng nhựa, thể tích máng uống tuỳ theo tuổi gà: Gà con 1,5 – 2 lít, gà dò hậu bị và sinh sản 4 – 8 lít.

Máng uống dài có độ dài tương đương máng ăn nhưng thiết diện nhỏ hơn. Hoặc tự thiết kế máng uống nước cho gà bằng ống tre, bằng gỗ…

+ Chụp sưởi và quây úm gà:

Gà con sau khi nở ra chưa có khả năng điều tiết thân nhiệt do đó phải có hệ thống chụp sưởi và quây úm hoặc chuồng nuôi kín để cung cấp nhiệt độ cho gà đến khi chúng có khả năng điều tiết được thân nhiệt phù hợp với nhiệt độ môi trường.

 

Để làm quây úm gà, bà con có thể dùng các tấm cót bán sẵn ngoài chợ, kích thước dài khoảng 2m x 0,6m x 0,6m. Số lượng tùy vào số gà. Với khoảng 100 con gà con, chỉ cần dung 3 tấm cót quây lại thành 1 quây tròn có đường kính khoảng 1,5 – 2m. Hoặc bà con có thể lấy bao tải và các que tre, cọc gỗ, đóng thành một quây tròn hoặc vuông đủ để cho gà con ở và đặt các mẹt thức ăn, máng uống. Quây úm cao khoảng 50 – 60 cm, bên trên được đậy bằng bao tài hoặc chiếu, cót để giữ ấm cho gà con bên trong.

Bên trong quây úm cần trải một lớp trấu dầy khoảng 5 – 7com để giữ ấm cho gà con. Trấu cần phải sạch, phơi khô, được phun khử trùng hoặc phơi nắng 2-3 ngày liên tục để diệt khuẩn.

Quây này dùng để úm gà con trong 14 - 28 ngày đầu, nếu có điều kiện thì có thể nuôi úm gà hết 56 ngày tuổi mới thả dần ra ngoài.

Để giữ ấm cho quây úm gà, bà con cần nối thêm các bóng điện để vào giữ quây úm. Trên đầu bóng có thể gắn với nón nhôm dạng như chiếc chụp để giữ nhiệt hoặc để bóng trần. Bóng điện úm có thể là bóng điệu tròn, bóng hồng ngoại có công suất 75w,100w, 200w tùy theo số lượng gà và tùy điều kiện thời tiết miễn sao đảm bảo độ ấm cho gà theo quy định về nhiệt độ.

Trong giai đoạn nuôi úm gà con cần chú ý phản ứng của gà với nguồn nhiệt để điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp.

- Nếu thấy gà tập trung gần bóng điện, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ, gà đang bị lạnh. Như vậy, cần phải tăng thêm bóng điện sưởi ấm cho gà.

- Nếu gà tản ra xa bóng điện, nháo nhác, kêu, khát nước, há mỏ để thở là gà đang bị nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ như giảm số bóng điện, mở nắp trên ch thoáng quây úm gà.

- Nếu gà tụm lại một phía tức là đang là bị gió lùa rất nguy hiểm, cần che kín hướng gió thổi.

Khi đủ nhiệt, gà vận động ăn uống bình thường, ngủ, nghỉ tản đều trong quây.

Gà con cần chiếu sáng suốt ngày đêm trong 3 tuần đầu, sau 4 – 6 tuần giảm thời gian chiếu sáng đến 16h/ngày, từ tuần thứ 7 – 9 thì không cần thắp thêm đèn chiếu sáng mà sử dụng ánh sáng tự nhiên.

+ Nước uống

Nước là nhu cầu đầu tiên của gà khi mới nở. Cần cho gà uống nước sạch, tốt nhất là pha thêm thuốc úm gà theo hướng dẫn của bác sỹ thú y hoặc pha thêm 5g đường Gluco và 1g Vitamin C/lít nước cho những ngày đầu, nước uống cho gà mới nở cần hơi ấm khoảng  18 – 21 0C trong vài ngày đầu.

Máng uống có thể mua tại các cửa  hàng bán đồ dùng chăn nuôi, loại máng gallon tròn, kích cỡ to nhỏ tùy độ tuổi của gà.

Ví dụ: loại nhỏ bằng nhựa 0,85 – 1 lít/50 gà con hoặc 3,8 lít/100 gà con.

Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho gà con dễ tiếp cận và không bị máng ăn che khuất. Khi gà con mới ra khỏi lò ấp, cần cho gà uống nước ấm và tuân thủ theo quy tắc cho gà uống nước trước, sau 2 – 3 giờ mới cho thức ăn. Thông thường nên cho gà ăn sau khoảng 5 – 10 h sau khi ra khỏi lò ấp chứ không nên cho ăn ngay để tránh gà con bị đầy bụng.

+ Thức ăn và các công thức phối trộn thức ăn:

Trong quá trình chăn nuôi gà, bà con có thể sử dụng thức ăn từ các nguyên liệu như ngô, thóc, cám…Tuy nhiên, ở đây chúng tôi giới thiệu đến bà con một số công thức phối trộn thức ăn ở dạng bột. Bà con có thể áp dụng để nuôi gà ở các giai đoạn khác nhau. Có nhiều công thức thức ăn khác nhau nhưng cần đảm bảo các yêu cầu về dinh dưỡng và năng lượng cho gà.

2. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng gà qua các giai đoạn

* Chăm sóc giai đoạn gà con từ (0 - 6 tuần tuổi)

+ Giai đoạn quây úm gà con sử dụng cót cao 50cm, quây tròn có đường kính khoảng  1,5m – 2m. Một quây như vậy có thể úm 100 – 200 con gà.

+ Gà con cần chiếu sáng 24/24h trong 3 tuần đầu. Từ 4- 6 tuần tuần giảm thời gian chiếu sáng đến 16h.

Khung nhiệt sưởi ấm cho gà như sau:

Tuần tuổi

Dưới đèn úm

Xung quanh chụp

Nhiệt độ chuồng

Tuần 1

35-33oC

32-31oC

30-28oC

Tuần 2

32oC

30-28oC

28-26oC

Tuần 3

28oC

28-26oC

26-24oC

Tuần 4

 

 

22-20oC

Từ tuần 5 trở đi

 

 

21-20oC

+ Thức ăn cho gà ở gia đoạn này có thể cho ăn cám viên nén dạng mảnh, tỷ lệ đạm 19 – 21% trong 42 ngày đầu, sau đó có thể phối trộn cám ngô, thóc, sắn khô với cám đậm đặc, ngoài ra có thể bổ sung thêm rau xanh, chuối, cơm thừa, củ quả,.. cỏ sẵn tại địa phương. Sau khi gà được uống nước 2 – 3 giờ thì mới cho ăn, thường cho ăn theo bữa. Thức ăn được trải đều vào nhiều khay tuỳ thuộc quy mô đàn để tránh sự tranh giành thức ăn giữa các con trong đàn. Chỉ nên cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, thay mới khoảng 2h/lần. Một ngày đêm cho ăn 9-10 lần.

+ Nước uống: cho gà uống nước 2- 3 giờ thì mới cho ăn, sử dụng chụp nước bằng nhựa mỗi ô chuồng 50 con gà H’Mông cho 1,5 - 2 lít /50 con.

+ Chuồng úm gà con 01 ngày tuổi phải che kín, sau đó nới rộng quây theo sự phát triển của gà.

* Nuôi gà dò, hậu bị (7 - 20 tuần tuổi)

+ Giai đoạn này đã phân biệt trống mái, cơ cấu trống mái trong đàn tỷ lệ 1/7 hoặc 1/8 đối với đán gà nuôi để sinh sản làm giống. Còn với gà nuôi thương phẩm để lấy thịt thì không cần quan tâm đến tỷ lệ trống mái mà cứ để nuôi chùng cả đàn.

+ Ở giai đoạn này, nếu là gà sinh sản thì cần cho ăn hạn chế theo bữa từ  tuần tuổi thứ 10 và khống chế lượng thức ăn cho gà để gà giữ vóc dáng trung bình trước khi vào ổ để không để gà béo quá hoặc gầy quá.

+ Đối với gà thương phẩm thì cho gà ăn theo bữa nhưng ăn theo nhu cầu, tức là gà ăn được bao nhiêu thì cho bấy nhiêu.

+ Mật độ nuôi theo đề tài có sử dụng chất độn chuồng dày khoảng 6-7cm  nuôi từ 8-10 gà/m2

+ Thời gian chiếu sáng từ tuần thứ 7 trở đi  lợi dụng ánh sáng tự nhiên.

+ Giai đoạn này liên quan đến khả năng đẻ trứng của gà do vậy cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ chăm sóc nuôi dưỡng để đảm bảo đàn giống duy trì sức khỏe tốt, mức độ đồng đều cao

+  Gà từ 7-13 tuần tuổi: cho ăn khống chế làm 3 bữa một ngày

+ Gà từ 13-20 tuần tuổi: cho ăn hạn chế lượng thức ăn

+ Nước uống từ gà dò hậu bị và sinh sản 4 - 8 lít/50 con

+ Đối với gà thương phẩm cho ăn tự do theo nhu cầu để tăng trọng nhanh. Trung bình mỗi ngày 0,24kg/con.

* Kỹ thuật nuôi dưỡng gà đẻ từ 21 tuần trở đi

(1). Mật độ nuôi đảm bảo từ  4con đến 4,5con/ m2 chuồng

(2). Chiếu sáng: Cần thực hiện đúng theo các bước sau

- Kích thích chiếu sáng sẽ bắt đầu vào tuần tuổi thứ 20, bình quân mỗi tuần tăng thêm 1giờ để đạt được 14 giờ trong ngày

- Cường độ chiếu sáng đạt 10lux tức là 3-4W/m2, khoảng cách bóng đèn từ 3m đến 4m lắp 1bóng với công suất từ 40-60w

- Duy trì cố định thời gian chiếu sáng, không thay đổi tùy tiện thời gian chiếu sáng

(3). Ổ đẻ xếp cạnh tường chuồng với chiều cao thích hợp 40cm, được đặt ở chỗ mát. Ổ thường xuyên được lót trấu sạch,

(4). Chuồng nuôi để thông thoáng hoàn toàn, chỉ kéo rèm che khi có giông bão, mưa to tạt nước vào chuồng. Khi trời lạnh chỉ kéo bạt che nơi có gió thổi trực tiếp vào chuồng

(5). Cho ăn

- Khi gà bước vào nuôi tuần tuổi thứ 20 chuyển thức ăn và cho ăn thức ăn gà đẻ

- Khi gà đẻ đạt tỷ lệ 5% toàn đàn bắt đầu tăng mức ăn (tăng theo nguyên tắc tăng dần) và đạt mức ăn cao nhất tại thời điểm đẻ đạt tỷ lệ 40%, 50%, và giữ nguyên mức ăn này đến thời điểm đạt đỉnh và suốt thời gian đạt đỉnh đẻ

- Sau thời điểm đạt đỉnh đẻ, gà bắt đầu đẻ xuống thì mức ăn cũng giảm theo, tuy nhiên không giảm đột ngột,

- Mức ăn thấp nhất sau khi điều chỉnh bằng 92 - 95% so với mức ăn đạt đỉnh và giữ nguyên mức ăn này cho đến khi loại thải đàn gà

- Cho ăn: Bố trí máng ăn 25con/máng (dùng loại máng ăn P50), hàng ngày cần nắm chắc số lượng gà có mặt trong chuồng để lấy thức ăn vừa đủ

(6). Cho uống: Cho gà uống nước sạch và mát thỏa mãn, hàng ngày vệ sinh máng uống. Máng uống dùng loại máng dài đặt trên rãnh thoát nước có chụp song sắt. Mật độ máng uống đặt 2 máng dài cho 100 gà(loại máng tôn dài 1,2m)

(7). Chất độn chuông giữ khô sạch. Khi ẩm ướt phải thay ngay bằng trấu hoặc dăm bào đã sát trùng và rắc vôi bột vào chỗ nền chuồng bị ướt

(8). Cai ấp cho gà mái ấp bóng

- Phải có 01 ô chuồng riêng trong đó không nuôi gà đang đẻ dùng để nhốt gà cai ấp

- Trong ô chuồng cai ấp không được đặt ổ đẻ hoặc đặt các dụng cụ khác có thể tạo thành chỗ khuất thuận lợi cho gà làm tổ để ấp

- Hàng ngày kiểm tra gà ấp bóng tại chuồng gà đẻ và đưa gà ấp bóng về tập kết nuôi tại chuồng cai ấp

- Tiến hành thả gà trống vào nuôi chung với gà mái đang cai ấp để quấy rối, tỷ lệ ghép gà trống/gà mái là 1/30

- Gà mái trong quá trình cai ấp không được thả ra vườn, nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng và cho ăn thức ăn đầy đủ dinh dưỡng và hàng tuần cho uống thêm vitamin ADE, Bcomplex 1 lần/tuần

Một số điều cần lưu ý: Thức ăn được phối chế cân đối đảm bảo đủ dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển của gà trong giai đoạn.

- Khẩu phần ăn có thể phối chế đa nguyên liệu, sử dụng thức ăn bổ sung động vật, thực vật, Premix khoáng vi lượng và Vitamin.

- Không sử dụng các nguyên liệu bị mốc, hoặc bột cá mặn (có hàm lượng muối cao), đỗ tương phải rang chín.

3.  Phòng bệnh  đối với đàn gà H’Mông

Để nuôi gà H’Mông được tốt, cần đảm bảo thực hiện phòng bệnh cho gà bằng thuốc và vaccine. Bà con có thể tự mua thuốc về và tiêm phòng cho gà dưới sự hướng dẫn của cán bộ thú y. Công tác phòng bệnh bằng vaccine cần đảm bảo:

- Tuân thủ triệt để tiêm phòng vaccine cho gà theo lịch hướng dẫn

- Tiêm vaccine thực hiện 3 đúng: Đúng tuổi, đúng kỹ thuật, đúng liều lượng

- Không tiêm cho gà khi chúng đang bị ốm

- Mua vaccine đúng ở của hàng được phép kinh doanh thuốc thú y

- Bảo quản vaccine luôn để ngăn mát hoặc trong phích có đá lạnh,  pha chế theo đúng hướng dẫn của nơi sản xuất

- Sau khi tiêm phòng vaccine cho gà phải ghi chép vào sổ tay ngày làm vaccine, tên đàn gà giống được làm vaccine. Loại vaccine làm và lần làm vaccine thứ mấy

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số lịch trình phòng bệnh cho gà, bà con có thể lựa chọn áp dụng phương án 1 hoặc 2:

Đối với vaccine cúm gia cầm trong quá trình nuôi gà sinh sản tiếp tục sau đó, cách từ 4 đến 5 tháng tuổi lại tiến hành tiêm nhắc lại. Vaccine cúm gia cầm có thể dùng vaccine H5N1 của Trung Quốc hoặc vaccine H5N2 của hãng Intervet hà Lan sản xuất đều có giá trị bảo hộ như nhau./.

Tác giả: Thanh Băng – Trung tâm Khuyến nông Sơn La

Tag:
 Tìm kiếm


0566.950.950

Back to top