Kỹ thuật chăn nuôi vịt

​LỜI NÓI ĐẦU

Tây Ninh là tỉnh miền Đông Nam Bộ, đất đai rộng, thời tiết, khí hậu tương đối ôn hòa, ít mưa bão lũ lụt. Có nguồn nước ngọt dồi dào là Hồ Dâu Tiếng và Sông Vàm Cỏ Đông cùng với hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng rộng khắp nên thích hợp cho phát triển chăn nuôi vịt. Nghề nuôi vịt của tỉnh đã xuất hiện từ lâu. Khác với các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, đàn vịt của tỉnh phần lớn được nuôi tập trung, số lượng vịt chạy đồng chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài việc tiêu thụ trong tỉnh, vịt thường được xuất bán cho các cơ sở giết mổ ngoài tỉnh, nhiều nhất là tỉnh Long An. Vịt của Tây Ninh được các cơ sở giết mổ đánh gia cao về chất lượng thịt nhờ được nuôi trên nguồn nước ngọt rất tốt từ hồ Dầu Tiếng.

Tuy nhiên, do người chăn nuôi chưa được trang bị những kiến thức cần thiết, chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm dẫn đến năng suất còn thấp, việc phòng trị bệnh chưa quan tâm đúng mức nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Nhằm giúp bà con chăn nuôi nâng cao năng suất và tối đa lợi nhuận, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi vịt để bà con chăn nuôi tham khảo, và nghiên cứu áp dụng vào thực tế.

A. KỸ THUẬT CHĂN NUÔI VỊT THỊT

1. Chọn giống

Để có được một con giống tốt đáp ứng được yêu cầu sản xuất, vịt giống phải có đặc tính di truyền là khả năng tăng trọng cao, chất lượng thịt tốt, tức là vịt con được sinh ra từ đàn bố mẹ phải có các phẩm chất trên. Vịt con có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn khi mới nở rốn khô, lông mượt, chân mỏ no bóng, nhanh nhẹn, có thể trọng từ 45g trở lên, loại bỏ con dị tật hở rốn...

2. Chuồng trại

Chuồng chăn nuôi vịt có thể dùng nền sàn hoặc nền xi măng được lót bằng trấu hay rơm và tuỳ vào điều kiện chăn nuôi. Chuồng nuôi phải thoáng, sáng, không có gió lùa.

Trước khi nhận vịt về nuôi 7-14 ngày phải dọn sạch chuồng, nền chuồng, tường cần quét vôi nền chuồng và tường cao 0,8 – 1m. Sau khi vôi khô, cho mùn cưa hoặc trấu khô (đảm bảo không mốc), rơm rạ băm nhỏ, khô sạch vào chuồng làm chất độn chuồng, khử trùng bằng xông Formalin, thuốc tím. Chất độn chuồng dày tối thiểu là 10cm. Có thể sử dụng các chế phẩm làm đệm lót sinh học để phân hủy nước tiểu và phân giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm.

Trước khi đưa vịt con vào nuôi phải sưởi ấm chuồng nuôi. Mật độ chuồng trại phải đạt 7 – 10 con/m2 đối với vịt con từ 1-3 tuần tuổi. Nên phân loại vịt ra thành từng lô, mỗi lô từ 150-200 con; 5con/m2 đối với vịt trên 4 tuần tuổi.

Rửa máng ăn, máng uống sạch sẽ, sau đó ngâm vào dung dịch thuốc sát trùng và để khô trước khi sử dụng. Máng ăn: Có thể dùng máng dài đảm bảo 10-14 cm/con hoặc dùng một nia đường kính 0,8m dùng cho 50 vịt từ 1 - 3 tuần tuổi và 40 vịt trên 4 tuần tuổi. Máng uống: Có thể dùng máng dài đảm bảo 3cm/con hoặc dùng thau nhựa có đường kính 0,3m dùng cho 50 vịt từ 1 - 3 tuần tuổi và dùng cho 40 vịt trên 4 tuần tuổi. Chiều cao của máng uống ngang lưng vịt với độ sâu đủ để ngâm mỏ vịt. Để máng ăn, máng uống ở nơi riêng để chỗ vịt nghỉ ngơi luôn khô ráo.

3. Nhiệt độ chuồng nuôi

Để đảm bảo cho vịt khoẻ nhiệt độ chuồng nuôi cần đạt là:

+ Từ 1 – 3 ngày tuổi: 28 – 32oC.

+ Từ ngày thứ 4 mỗi ngày giảm 1oC cho đến khi đủ nhiệt độ bình thường.

Nhiệt độ chuồng nuôi được đo ở độ cao phía trên đầu vịt. Trung bình cứ 200W cho 75 vịt con và 140 vịt con cho 1m2 chụp sưởi. Những nơi không có điện cần sưởi ấm bằng đèn, nước nóng, bếp trấu, bếp than nhưng phải hạn chế khí cacbonic.

4. Ẩm độ không khí

Ẩm độ thích hợp nhất cho vịt con là 60 – 70%, vào mùa mưa độ ẩm cao trong không khí rất cao 80 – 90%, nhiều lúc lên tới 100%, ẩm độ cao, chuồng ướt, dễ gây cho vịt con cảm nhiễm bệnh rất nguy hiểm. Khi độ ẩm cao cần hạ thấp mật độ vịt, đảo và cho thêm chất độn khô hàng ngày để giữ cho vịt được ấm chân và sạch lông.

5.  Chế độ chiếu sáng

Trong tuần thứ 1 đến tuần thứ 2 chiếu sáng 24/24 giờ, sau đó là 18/24 giờ.

Cường độ ánh sáng cho vịt trong giai đoạn này là:

+ 1 – 10 ngày tuổi 3w/m2 (1 bóng điện 75w cho 25 m2 chuồng).

+ Trên 10 ngày tuổi, 1 bóng điện 75w cho 25 m2 chuồng về ban đêm, ban ngày sử dụng ánh sáng tự nhiên.

Ở những nơi không có điện, cần phải dùng đèn dầu thắp sáng, đảm bảo đủ ánh sáng để vịt đi lại ăn, uống một cách bình thường, chống xô đàn và đè nhau gây tỷ lệ chết cao.

6.  Cung cấp nước uống

Vịt là loại thuỷ cầm cần rất nhiều nước uống. Nước uống cho vịt phải đảm bảo nước sạch và cung cấp đủ cho vịt uống cả ngày lẫn đêm. Ở tuần tuổi thứ nhất không cho uống nước quá lạnh. Nhu cầu về nước uống:

  • 01 – 7 ngày tuổi: 120 ml/con/ngày
  • 8 – 14 ngày tuổi: 250 ml/con/ngày
  • 15 – 21 ngày tuổi: 350 ml/con/ngày
  • Trên 22 ngày tuổi: 500 ml/con/ngày

7. Chế độ ăn và thức ăn cho vịt

Trước khi cho vịt ăn phải dọn máng, quét bỏ những thức ăn thừa, hôi, thối và mốc. Nên cho vịt ăn làm nhiều lần trong ngày để tránh rơi vãi và ôi chua, tách những con nhỏ cho ăn riêng để vịt được đều.

Nhu cầu dinh dưỡng/kg thức ăn của vịt chia làm 2 giai đoạn:

-    Giai đoạn 1 – 21 ngày tuổi:

Vịt 1 ngày tuổi nên cho ăn bằng tấm, lúa hầm hoặc bắp xay nhuyễn đến ngày thứ 3 khẩu phần ăn cho vịt phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để vịt sinh trưởng phát triển tốt. Nên sử dụng thức ăn công nghiệp cho vịt từ 3 – 21 ngày tuổi. Có thể sử dụng thức ăn đậm đặc phối trộn với thức ăn tự nhiên có sẵn, nhưng phải bảo đảm: Prôtêin thô: 20 – 22 %; năng lượng trao đổi: 2.800 – 2.900 kcal.

Nhu cầu lượng thức ăn hàng ngày cho vịt như sau:

-    Giai đoạn trên 22 ngày tuổi:

+ Prôtêin thô : 19 – 20 %

+ Năng lượng trao đổi : 2.800 – 2.900 kcal

Trên 22 ngày tuổi giữ nguyên lượng thức ăn 74g/con/ngày. Chất lượng thức ăn phải đảm bảo nguồn năng lượng và đạm trong khẩu phần và không được sử dụng thức ăn mốc và ôi thối để tránh cho vịt nhiễm các độc tố, đặc biệt là độc tố Aflatoxin.

8. Kiểm tra đàn vịt

- Trạng thái đàn vịt là một trong các biện pháp đánh giá về sức khoẻ của nó:

+ Vịt con phân tán đều khắp chuồng chứng tỏ đàn vịt khoẻ mạnh, thoải mái, nhiệt độ trong chuồng đạt yêu cầu.

+ Vịt con dồn đống là do lạnh, nhiệt độ chuồng nuôi thấp.

+ Vịt con nằm há mỏ và cánh dơ lên là do nhiệt độ chuồng nuôi quá cao.

+ Vịt không chơi hoặc nằm ở khu vực nhất định là chắc chắn có gió lùa.

+ Vịt bị bết dính là do chuồng ẩm, chế độ nuôi dưỡng kém.

- Kiểm tra sức khoẻ đàn vịt hàng ngày:

+ Những con vịt ốm yếu cần loại ngay ra khỏi đàn.

+ Khi đàn vịt biếng ăn, biếng uống, phân thay đổi phải có biện pháp xử lý ngay.

B. KỸ THUẬT NUÔI VỊT SINH SẢN

1. Chọn vịt sinh sản

Chọn vịt lên giai đoạn sinh sản lúc 21 – 22 tuần tuổi. Thời điểm này tỷ lệ loại thải thấp hơn thời điểm chọn lên hậu bị. Loại thải những con không đạt tiêu chuẩn giống như bị bệnh, ngoại hình có khuyết tật… Vịt trống được chọn khắt khe hơn và ghép trống mái theo tỷ lệ 1 : 5 – 6. Khi sắp đẻ, vịt đã thay lông xong, bộ lông mượt trở lại. Nhìn bộ lông có thể đánh giá tương đối chính xác chất lượng nuôi dưỡng giai đoạn hậu bị

2. Chuồng trại, ao hồ:

Chuồng nuôi vịt đẻ cũng có các kiểu chuồng như chuồng – sân – ao, chuồng sàn trên ao. Yêu cầu đối với chuồng nuôi là nền chuồng phải khô ráo, tránh chuột và các động vật khác phá ổ trứng. Tránh mưa nắng cho ổ đẻ.

Ổ đẻ được để sát vách chuồng. Ổ đẻ phải làm phía trong chuồng để khi vịt từ ao lên, đi qua sân chơi vào chuồng đến ổ đẻ thì chân đã khô, không làm dơ ướt ổ đẻ. Có thể ngăn riêng cho khu vực ổ đẻ, sau 8 giờ sáng ngăn khu vực này lại để tránh vịt vào nằm trong ổ đẻ làm dơ ổ đẻ.

Mật độ nuôi: 2 – 3 con/m2 nền chuồng.

Lót nền chuồng và ổ đẻ bằng rơm khô, cỏ khô, trấu. Đặc biệt chú ý lót ổ đẻ, phải thay thường xuyên để tránh ẩm ướt và mốc. Trong điều kiện ẩm ướt, nấm và vi khuẩn rất dễ phát triển. Ổ đẻ được làm bằng gỗ, tre, tấm cót,… thành từng ô có kích thước 40 x 60 x 40 cm. Tính trung bình, mỗi ô cho 4 – 6 con mái đẻ.

Thí dụ: Một đàn vịt đẻ có 100 con mái thì làm 4 ổ đẻ, mỗi ổ đẻ có 5 ô đẻ. Đàn vịt có 500 mái thì làm 15 ổ đẻ, để dọc theo vách chuồng (chiều dài 30 m).

Nếu làm chuồng sàn trên ao cá, trước hết chúng ta lót sàn ở chỗ đặt ổ đẻ bằng tấm cát-tăng, cót… rồi mới đặt ổ đẻ lên, nhằm tránh cho rơm, trấu rơi xuống ao.

Ao nuôi vịt đẻ có độ sâu 1,2 mét trở lên. Nước phải được thay sạch sẽ để đảm bảo tỷ lệ đẻ và tỷ lệ phôi. Cần chú ý cầu ao, với độ nghiêng không quá 25 độ và mặt cầu không trơn trượt, không gồ ghề để tránh dập vỡ buồng trứng.

3. Thức ăn, nước uống:

Thức ăn cho vịt đẻ nuôi nhốt có hai dạng phổ biến sau, tùy điều kiện kinh tế và tính toán hiệu quả theo giá cả thị trường mà chọn loại hình đầu tư thức ăn cho phù hợp.

Nuôi vịt đẻ hoàn toàn bằng thức ăn hỗn hợp (thức ăn viên). Dùng thức ăn viên có chi phí thức ăn tương đối cao, nhưng bù lại là sự thuận tiện, dễ sử dụng, chủ động về số lượng, theo dõi mức ăn hằng ngày dễ dàng,… Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thức ăn cho vịt đẻ hoặc kết hợp thức ăn viên hỗn hợp với thức ăn tự phối trộn.

Chuyển đổi từ loại thức ăn hậu bị sang thức ăn vịt đẻ từ tuần tuổi 22, nhưng vẫn phải khống chế mức ăn hàng ngày cho đến khi vịt đẻ 30 – 50% mới cho ăn tự do để tránh vịt bị mập. Nếu vịt bị quá mập, tích mỡ nhiều ở khoang bụng, xung quanh buồng trứng, hạn chế sự phát triển của buồng trứng, vịt đẻ muộn, tỷ lệ đẻ thấp và tỷ lệ trứng nhỏ, trứng dị hình cao.

Sử dụng máng ăn bằng gỗ, tôn hay nia mẹt, chậu. Một máng ăn bằng gỗ hay tôn có chiều dài 2 mét đủ cho 70 – 100 con. Tránh để thức ăn ngoài mưa, nắng để bảo vệ chất lượng thức ăn. Những ngày nắng nóng, lượng thức ăn tiêu thụ giảm nhiều thì cần phải bổ sung thêm các chế phẩm bổ sung axít-amin và chất điện giải.

Cần có đủ nước uống cho vịt đẻ. Nhu cầu lượng nước uống hằng ngày bằng 3 – 4 lần lượng thức ăn tinh. Trước khi thả vịt xuống ao phải cho vịt uống no nước ngọt. Có thể dùng máng uống tự chế bằng tôn, chậu sành hay máng uống tự động

4. Chiếu sáng

Thời gian chiếu sáng khoảng 17 giờ/ngày. Ngoài chiếu sáng tự nhiên khoảng 12 – 14 giờ, phải chiếu sáng nhân tạo bổ sung 3 – 5 giờ/ngày. Công suất chiếu sáng là 3 – 5 W/m2 nền chuồng (treo bóng đèn tròn 75W cách mặt nền chuồng 2 – 2,5 mét). Chiếu sáng hợp lý sẽ kích thích đẻ trứng và đảm bảo chất lượng trứng giống cao.

5. Thời gian khai thác trứng

Vịt sinh sản chỉ nên cho đẻ 2 năm, vì từ năm thứ 3 trở đi năng suất và chất lượng trứng giảm đi rất nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.

Đối với vịt đẻ con giống chuyên thịt: năm để thứ nhất cho vịt đẻ 40 tuần, đến năm đẻ thứ hai chỉ cho vịt đẻ 30 tuần.

Sau khi kết thúc năm đẻ thứ nhất cho vịt nghỉ đẻ 7-8 tuần (tức là dập vịt), sau đó mới tiến hành cho vịt đẻ tiếp năm thứ 2.

*Có 2 cách dập vịt:

Dập dợm (hạn chế cho ăn): Cho vịt nhịn ăn và uống 2 ngày, sau đó cho vịt ăn như giai đoạn nuôi vịt hậu bị (giai đoạn nuôi cầm xác). Cách dập vịt này không có hại cho vịt, nhưng sau khi dập vịt vẫn còn một số con đẻ rải rác, đồng thời tỷ lệ đẻ của năm thứ 2 tăng chậm vì đàn vịt thay và mọc lông không đồng đều.

Dập nhổ lông cánh và lông đuôi bắt buộc: Cho vịt nhịn ăn và uống 2 ngày, sau đó nhổ toàn bộ lông ống ở cánh và đuôi, rồi lại cho vịt ăn như giai đoạn nuôi vịt hậu bị (giai đoạn nuôi cầm xác). Cách dập nhổ lông này ảnh hưởng đến đàn vịt, nhưng sau khi dập vịt xong thì vịt ngừng đẻ đồng loạt, đến khi vịt trở lại đẻ năm thứ 2 thì tỷ lệ tăng nhanh và toàn bộ đàn vịt được thay lông đồng loạt, và khi mọc trở lại cũng mọc đồng loạt.

6. Nhặt và bảo quản trứng:

Vịt đẻ tập trung vào 2 – 4 giờ sáng, nhưng có thể đẻ muộn đến 8 – 9 giờ sáng. Nên nhặt trứng làm 2 – 3 lần để trứng được sạch sẽ và tránh dập vỡ. Trứng sau khi nhặt xong cần chọn ngay những quả đủ tiêu chuẩn giống để bảo quản. Trứng dơ bẩn có thể rửa bằng dung dịch có chứa chlorin theo nồng độ 1250 ppm. Cứ 10 lít nước ấm pha 50 gam chất có chứa 25% chlorin. Nhiệt độ nước trong quá trình rửa trứng là 37oC. Tuyệt đối không được rửa trứng bằng nước lã, nước dơ, vì như vậy vi trùng dễ xâm nhập làm thối trứng.

Trứng đựng vào khay, cần xé và bảo quản nơi khô mát. Nếu có phòng lạnh bảo quản ở nhiệt độ 18 – 20oC thì càng tốt. Trứng giống bảo quản 3 – 5 ngày, tối đa 7 ngày phải đưa vào ấp. Nếu để lâu hơn thì tỷ lệ chết phôi trong quá trình ấp sẽ tăng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (PTYCĐ)


Tag:
 Tìm kiếm


0567.44.1234

Back to top