Triệu chứng và cách phòng trị bệnh đậu gà

Căn bệnh đậu gà không còn quá xa lạ với nhiều bà con chăn nuôi, bởi biểu hiện rõ ràng trên cơ thể gà. Nhưng nhiều bà con vẫn chưa biết được nguyên nhân nào gây ra bệnh trên gà, bệnh có lây lan mạnh mẽ hay không? Có những thiệt hại nào không? Vì thế mà hôm nay Trại giống Vifoods sẽ giúp tất cả các bà con chăn nuôi hiểu rõ hơn về căn bệnh đậu gà, con đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh bên dưới bài viết sau đây.



Bệnh đậu gà là gì?

Bệnh đậu gà là bệnh truyền nhiễm do Virus gây ra trên gà, xuất hiện phổ biến ở gà trong giai đoạn từ 25-50 ngày tuổi. Bệnh hình thành những nốt đậu ở vùng da không có lông. Bệnh gây ra tình trạng tăng sinh và thoái hóa ở lớp biểu bì của biểu mô hô hấp như miệng, hầu, họng và thực quản của gà. Bệnh chuyển biến xấu sẽ gây mù mắt, tiêu chảy, viêm phổi, kém phát triển và tăng nguy cơ tử vong. Tỷ lệ gà bị mắc bệnh từ 10-95% và có tỷ lệ chết khoảng 2-3% nếu như không được chữa trị. Ngoài ra, bệnh còn làm giảm giá trị thương phẩm của gà khi xuất ra ngoài thị trường.


Nguyên nhân gây ra bệnh đậu gà

Bệnh đậu gà do virus fowlpox gây ra, được tìm thấy trong môi trường tự nhiên, virus này có sức đề kháng cao, tồn tại nhiều tháng trong các vỏ đậu, dụng cụ chăn nuôi, chất độn chuồng. Bệnh thường lây lan chậm, gây ra các vết trầy ở da do cắn mổ nhau, lây qua không khí nếu virus có trong lông, da và vẩy bong tróc,…Đường lây truyền bệnh chủ yếu do các loại côn trùng như muỗi, mòng, rận,… hút máu của gà mắc bệnh sau đó truyền bệnh cho gà khỏe mạnh khác.

Triệu chứng

Khi mắc phải bệnh đậu gà thì sẽ xuất hiện 3 thể bệnh như sau:

Thể ngoài da: Xảy ra ở cả gà trưởng thành và gà con. Mụn đậu mọc ở những vùng da không có lông như mào, mép, vùng da quanh mắt,… và đôi khi ở cả chân, hậu môn của gà. Trên vị trí mắt thì bệnh đậu gà làm cho gà viêm kết mạc mắt, không mở mắt được. Còn ở khu vực miệng gà có thể gây ra khó khăn khi ăn, giảm trọng lượng gà. Thông thường mụn đậu mới xuất hiện là những nốt sần nhỏ có màu trắng, sau đó to dần thành mụn nước có màu vàng xám, sần sùi. Các mụn đậu sẽ vỡ ra và khô lại, đóng vảy tạo thành các vết sẹo màu nâu hồng. Nếu mụn đậu bị nhiễm trùng, quá trình viêm và hoại tử ở da sẽ trở nên trầm trọng hơn.


Thể niêm mạc (màng giả, thường xảy ra ở gà con khoảng 3 – 4 tuần tuổi):  gà có biểu hiện khó thở, ủ rũ, bỏ ăn, sốt, xuất hiện màng giả ở niêm mạc phần trên đường hô hấp và tiêu hóa như niêm mạc hầu họng, vòm miệng, khí quản,…khi bóc lớp màng giả này sẽ gây ra hiện tượng xuất huyết hoặc thấy lớp niêm mạc có màu đỏ tươi. Màng giả dày ở mũi và mắt sẽ tạo ra khối mủ ở xoang mắt, xoang mũi làm gà ngạt thở, mù mắt dẫn đến còi cọc và chết. Thể bệnh này sẽ trở nên trầm trọng hơn khi có thêm sự xâm nhập của các vi khuẩn kế phát.

Thể hỗn hợp: thường xảy ra ở gà con. Xuất hiện các triệu chứng, bệnh tích ở cả ngoài da và niêm mạc. Khi có bệnh kế phát kết hợp với điều kiện vệ sinh chăm sóc kém, bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn và gà mắc bệnh dễ chết hơn.

 

Điều trị

Cho đến hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị căn bệnh đậu gà do virus fowlpox, nhưng các triệu chứng vẫn có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm. Đối với mụn đậu ngoài da có thể bóc vảy, bà con có thể dùng bông thấm nước muối pha loãng rửa sạch mụn đậu, rồi bôi các thuốc sát trùng nhẹ như Xanhmethylen 2% hoặc cồn Iod 1-2%, ngày 1-2 lần, bôi liên tục 3-4 ngày.

Thể niêm mạc có thể lấy bông làm sạch màng giả ở miệng rồi bôi các chất sát trùng nhẹ. Dùng các thuốc kháng sinh chống bội nhiễm như AMOX AC 50%, MEBI-AMPICOLI, FLOPHENICOL 5%,… pha vào nước uống hoặc trộn vào thức ăn cho gà, ngày 2 lần, dùng liên tục từ 3-5 ngày.

Tiến hành chủng ngừa lại vaccine cho đàn bị bệnh.

Ngoài ra, dùng sản phẩm trợ sức, trợ lực pha vào nước cho gà uống trong quá trình điều trị để tăng sức đề kháng cho gà như MEBI-ADE, BCOMPLEX C, MEBILACTYL 4 WAY WS,…đặc biệt chú trọng tăng cường vitamin A để bảo vệ niêm mạc cho gà.


Phòng bệnh trên gà

Bệnh đậu gà xuất phát từ virus và lây lan thông qua các loài côn trùng hút máu gà nên bà con cần thực hiện các biện pháp hiệu quả sau đây để phòng bệnh cho gà:

– Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, nước uống cho gà và môi trường chăn nuôi hợp vệ sinh. Bà con cần bổ sung thường xuyên các loại vitamin, chất khoáng, điện giải,… để tăng sức đề kháng cho gà.

– Đảm bảo vệ sinh chuồng trại thường xuyên và xử lý môi trường xung quanh chuồng trại để tiêu diệt các loại côn trùng gây bệnh như muỗi, mòng, rận,…

– Định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại, khu chăn nuôi (ít nhất 1 tuần/lần) để tiêu diệt mầm bệnh.

– Dùng vaccin phòng bệnh cho gà từ 7-10 ngày tuổi.

 

Kết luận

Phía trên là những chia sẻ của Trại giống Vifoods về căn bệnh đậu gà cho bà con chăn nuôi gà và cách điều trị bệnh. Mặc dù căn bệnh đậu gà không thật sự quá nguy hiểm và gây ra thiệt hại to lớn cho đàn gà của bà con. Nhưng bệnh có những tác động đến giá trị thương phẩm khi bà con bán gà ra bên ngoài thị trường. Vì vậy bà con không được chủ quan, cần thực hiện công tác phòng bệnh hiệu quả để giúp đàn gà luôn khỏe mạnh. Xin chúc bà con chăn nuôi luôn thành công!

 

Tìm kiếm có liên quan

Kỹ thuật nuôi chim cút

Kỹ thuật nuôi thỏ đơn giản, hiệu quả

Kỹ thuật nuôi gà sao thương phẩm


Tag:
 Tìm kiếm


0567.44.1234

Back to top